Bạn có nhớ đến tháp thực phẩm FDA được in trong sách giáo khoa môn Khoa Học năm lớp 4 không? Đó là một hình vẽ, cung cấp cho chúng ta thông tin về lượng thức ăn từng loại trong mỗi bữa ăn hàng ngày. Nhờ đó, ta biết loại nào cần ăn ít, loại nào cần ăn nhiều, loại nào cần bổ sung, loại nào cần hạn chế. Đó cũng là lý do tại sao các bà mẹ lại bảo chúng ta hãy ăn thật nhiều rau thay vì thật nhiều thịt.
Trong chiến lược phát triển Web cũng vậy. Phát triển, duy trì một website để khiến cho nó có sức ảnh hưởng lớn phải là một quá trình dài. Nó không những đòi hòi sự kiên trì và cố gắng đơn thuần mà phải đòi hỏi sự hợp lý và cân bằng. Các webmaster để có một website có sức ảnh hưởng lớn phải cân bằng trong chiến lược của mình, phải biết ưu tiên làm việc gì, phải chú trọng những cái gì, phải hạn chế làm những điều gì. Có như vậy website mới vững mạnh và có sức ảnh hưởng lớn.
Thật đáng buồn là trong thời đại ngày nay, có quá nhiều các dịch vụ hỗ trợ Website. Mạng xã hội thì có Facebook, Myspace, tiểu blog có Twitter, Meme, gửi link có linkhay, tag.vn, đăng lên web thì có Technorati,… Nhiều webmaster đã lao đầu vào các công cụ hỗ trợ, các thủ thuật SEO mà bỏ quên nội dung và giao diện. Điều này làm nên một chiến lược phát triển thiếu cân bằng. Những website như vậy sẽ khó có sức ảnh hưởng lớn, và thậm chí sẽ phải lãnh hậu quả từ sự phản tác dụng trong việc lợi dụng SEO và chia sẻ/đăng link.
Tóm lại, để tạo được một website mạnh, và thực sự thu hút người dùng, các webmaster phải có một chiến lược vững mạnh ngay từ đầu như đã nói trên. Chiến lược đó sẽ được biểu diễn bằng một kim tự tháp, giống như tháp thực phẩm FDA, trong bài viết này.
Tháp chiến lược Web
TầNG ĐÁY: NỘI DUNG (CONTENT)
Hãy xuất phát từ đáy tháp, nơi là điểm tựa cho các phần trên. Đó chính là nội dung.
Tại sao lại xuất phát từ nội dung? Bạn hẳn đã nghe quá nhiều câu nói “Content is king”. Và điều này hoàn toàn đúng. Bạn có thể có chỗ quảng cáo trên Facebook Ads, bạn có thể có 50,000 followers trên Twitter, bạn cũng có thể có những thiết kế website tuyệt vời từ Hutek, nhưng chẳng có cái gì trong những điều trên có thể giữ chân được người dùng của bạn nếu như trên 5 clicks mà họ chẳng tìm được điều họ cần trên website của bạn.
Nội dung rõ ràng là điểm xuất phát cho tất cả. Có một nội dung tuyệt vời, bạn mới có thể giữ chân được người dùng vì nội dung chính là mục đích mà người dùng nhắm tới khi xem website của bạn. Đến lúc đó, những dịch vụ hỗ trợ Website mới phát huy tác dụng. Bởi vì ai sẽ tweet trang web của bạn, ai sẽ click vào cái nút Facebook Like nếu như họ thấy thứ mà họ xem chẳng đáng giá để chia sẻ.
Để có một nội dung tốt có hai cách:
- Một là hãy viết trên bề rộng, hãy viết càng nhiều điều thú vị, mới mẻ càng tốt. Điều này khiến nội dung của bạn không những độc nhất mà còn trở nên thú vị hơn, thu hút hơn. Con người là một loài sinh vật thích những cái mới
- Hai là hãy viết trên bề sâu, hãy tập trung nghiên cứu, chuyên sâu, phân tích thật cặn kẽ vấn đề. Điều này dĩ nhiên là khiến nội dung của bạn trở nên độc nhất. Ngoài ra, nguồn nội dung đầy chuyên sâu như vậy sẽ khiến cho người dùng tin cậy và hào hứng, đặc biệt là những người cùng chuyên môn.
Cả hai cách đều hết sức cần thiết trong quá trình xây dựng nội dung. Cách một là bước khởi đầu tốt cho những người mới bắt đầu và cũng phù hợp với mọi đối tượng. Cách hai tương đối khó nhưng là bắt buộc với mọi webmaster để tạo nên nguồn nội dung độc nhất, chất lượng cao và thu hút độc giả. Hãy luôn nhớ rằng: Tất cả phải xuất phát từ nội dung.
TẦNG 2: GIAO DIỆN (DESIGN/THEME)
Giao diện là thứ mọi webmaster phải tính đến sau nội dung. Như chúng ta đã biết, giao diện là “khuôn mặt” của website. Nhìn vào giao diện website, người dùng sẽ thấy đó là một website đẹp hay xấu, phức tạp hay đơn giản, từ đó, họ sẽ đánh giá đó là một website cá nhân hay doanh nghiệp, cá tính hay chuyên nghiệp,…
Rõ ràng điều này là hết sức quan trọng bởi từ việc nhìn vào giao diện website, người dùng sẽ có ngay những ấn tượng ban đầu. Nếu bạn có một website đẹp, có một thiết kế chuyên nghiệp hay phong cách sẽ ngay lập tức khiến cho độc giả cảm thấy có cảm tình với website của bạn. Không chỉ bởi vì nó có sức hút về mặt thẩm mĩ mà còn bởi họ biết đó không phải là những trang web vớ vẩn, MFA,… mà là những website được webmaster đầu tư, tâm huyết và thường có cảm nhận đó là website chất lượng cao.
Website của bạn có thể có một kho nội dung tuyệt vời, nhưng nếu có một giao diện quá xấu, đầy bugs và error, người dùng sẽ ngay lập tức có cảm nhận xấu, cảm nhận về sự nghiệp dư của webmaster và đa phần bỏ đi nhanh chóng mà không cần quan tâm nội dung trong đó có gì.
Chính vì vậy, hãy đầu tư mạnh cho giao diện. Hãy chọn một giao diện đẹp và phù hợp với nội dung blog của bạn. Những cảm nhận tốt đẹp ban đầu sẽ là nền tảng để thu hút người dùng, tạo lợi thế cạnh tranh lớn và ổn định, giúp bạn duy trì sức ảnh hưởng lớn và lâu dài.
TẦNG 3: SEO (SEARCH ENGINE OPTIMIZATION)
Sau khi có một nền tảng nội dung tốt và một giao diện đẹp, ưa nhìn, bạn hãy tính đến chuyện SEO cho Website của bạn. Bởi như chúng ta đã biết Search Engine chính là nguồn câu traffic hàng đầu của mọi website bởi đây là con đường nhanh và ổn định nhất để người dùng tìm đến website của bạn.
Nhiều người thường quá chú trọng tìm kiếm, lục lọi các bí mật của Search Engine nhằm đạt thứ hạng cao. Tất nhiên, nhiều thủ thuật đó đúng nhưng Google thường thay đổi cách thức tìm kiếm nhanh chóng để né tránh các hình thức ăn gian đó. Họ quá chú trọng vào những phương pháp đặc biệt ấy mà quên mất những điều cơ bản trong SEO như:
- Bạn có sử dụng những Keywords mà người sử dụng hay tìm kiếm ko? (Hãy tìm đến Google Insights, WordTracker,…)
- Headings của bạn (h1, h2, h3,…) có kèm keywords?
- Nội dụng của trang web liệu có liên quan đến và phản ảnh keywords?
- Menu của bạn có script ko?
- Bạn sử dụng Anchor Text hợp lý chưa?
- Có nhiều thành phần Flash trong Page ko?
- …
Thủ thuật thì có lẽ nhiều không kể xuể và cũng có quá nhiều website chuyên về vấn đề này, ở Việt Nam, ta thấy nhiều website rất lớn về SEO như eBlogViet,seovietnam.org. Riêng với blogger WordPress, có rất nhiều theme có khả năng SEO đỉnh như: Thesis, Genesis, Hybrid,…
Tất nhiên, bạn có thể làm mọi thứ bạn muốn để tạo cho website của bạn có khả năng SEO tốt hơn, nhưng phải luôn nhớ một điều rằng: SEO đi sau nội dung và giao diện. Bởi vì SEO chỉ làm ngắn đi con đường để người dùng tiếp cận website của bạn. Nó sẽ không phải là nguồn traffic lâu dài và ổn định nếu như website của bạn không có chất lượng thật sự. Một số blogger lớn còn cho rằng, một website kém chất lượng thì khả năng SEO của nó sẽ phản tác dụng, bởi sẽ ngày càng có nhiều người dùng vào và thiếu cảm tình với website đó rồi bỏ đi.
TẦNG 4: SOCIAL MEDIA
Trước khi nói đến Social Media, chúng ta cần biết rằng khái niệm Social Media phức tạp hơn bản thân nó. Ở đây, chúng ta chủ yếu bàn đến việc lấy traffic từ các Social Media điển hình như Twitter, Facebook qua việc người dùng click vào thông tin mà bạn đăng lên.
Như ta đã biết, đặc trưng của Social Media là giúp tăng khả năng quảng bá website của bạn, đồng thời nguồn traffic từ Social Media cũng rất ổn định. Tuy nhiên, nguồn traffic lúc ban đầu thường rất thấp. Và để có nguồn traffic dồi dào từ nguồn này, bạn phải đầu tư thời gian. Có được một trang giới thiệu trên Facebook với nhiều người theo dõi hay có một tài khoản Twitter với 50,000 followers buộc bạn phải có một chiến lược dài hạn.
Vấn đề này khác nhau với nhiều đối tượng. Chiến lược cho Social Media của blogger sẽ khác so với của doanh nghiệp, tập đoàn,… ngay trong doanh nghiệp đã chia thành cả một đống như: dịch vụ, sản phẩm,… Ở đây, mình sẽ nói đến mảng blogger, và chủ yếu là đến Facebook, Twitter. Trong quá trình tiếp thị, đầu tư cho Social Media, bạn cần chú ý các yếu tố sau:
- Bạn có thường xuyên cập nhật cho các Social Media của bạn hay không?
- Tăng trưởng của lượng người theo dõi bạn thế nào?
- Người dùng có phản hồi tốt trước các thông tin mà bạn đưa ra?
Để có được một lượng người theo dõi không lồ, bạn phải thật sự đầu tư thời gian cho Social Media. Bạn phải liên tục cập nhật, theo dõi, phản hồi,… Có như vậy, bạn mới tạo được uy tín về các thông tin mà bạn cung cấp để tạo nguồn traffic lâu dài cho website của bạn. Việc tạo tài khoản nhưng rồi để đấy chỉ làm phí thời gian của bạn.
ĐỈNH: MMO (MAKE MONEY ONLINE)
Trước khi nhắc đến vấn đề này, xin nói trước những gì dưới đây sẽ chủ yếu bàn đến phương thức PPC (Pay-per-click) và Affiliate (hoa hồng bán hàng)
Sau khi làm được tất cả những điều trên, website có một kho nội dung chất lượng, một giao diện tốt, khả năng SEO mạnh và tính xã hội cao (khả năng liên kết cao). Đến lúc này, bạn có thể nghĩ đến chuyện tạo thu nhập từ Website của mình. Bạn có thể phải chú ý đến: phương thức thanh toán, cách thức nhận tiền, tính hợp pháp trong giao dịch,… Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây không phải là chuyện phức tạp trong vấn đề thủ tục mà là liệu website của bạn có đáng đặt quảng cáo hay không.
Vấn đề này bạn phải suy nghĩ kỹ càng mà không được vội vàng, ai cũng muốn đặt quảng cáo để kiếm lời. Nhưng hiệu quả của nó mới là quan trọng. Bạn phải hiểu các vấn đề:
- Website của bạn đã thực sự tốt về nội dung, giao diện, SEO,…
- Người dùng có hài lòng về những gì bạn đem lại?
- Người dùng sẽ biết đến cái quảng cáo của bạn qua những con đường nào?
- Người dùng có phiền lòng về cái quảng cáo của bạn không?
- Tại sao người dùng lại click vào các quảng cáo đó?
Nếu không tính và đánh giá kỹ các vấn đề trên, việc MMO sẽ không đem lại hiệu quả cao cho bạn. Bạn có thể tham gia hơn 100 chương trình, đặt một đống Links và quảng cáo trong website, nhưng nếu bạn chưa xem xét kỹ lưỡng các vấn đề trên thì việc đặt Links không những không thu lời mà còn phản tác dụng. Bởi lúc ấy, khi nhìn vào website của bạn, độc giả sẽ chỉ thấy bạn làm để đặt quảng cáo và kiếm lời từ họ, hãy xấu hơn là họ nghĩ rằng bạn đang lợi dụng họ. Bước cuối làm MMO giống như món tráng miệng vậy, nếu các món chính không ngon, thì người dùng chẳng buồn ăn tráng miệng. Nhưng nếu các món chính ngon và thỏa mãn người dùng, thì món tráng miệng chính là món ngon nhất.
- Những điều nên làm trước khi tham gia MMO (Misaoblog)
Tổng kết
Liệu tháp chiến lược trên có đúng và cứng nhắc để làm nên một website thành công? Có lẽ là không. Chiến lược cho một doanh nghiệp bán hàng trên mạng sẽ khác so với chiến lược cho một blogger nhưng về cơ bản là như vậy. Vấn đề không nằm ở chỗ phải tuân theo cái chiến lược cứng đó như thế nào mà là phải biết cân bằng và hài hòa trong cái chiến lược đó ra sao. Tháp thực phẩm FDA không bắt chúng ta phải ăn theo một mô hình cứng nhắc nhất định mà khuyên ta cân bằng chế độ ăn để đảm bảo sức khỏe tốt. Tháp chiến lược Web cũng vậy, việc cân bằng giữa các hoạt động, hiểu được các thành phần cần chú trọngsẽ là điều cơ bản và cốt lõi dẫn đến thành công trong chiến lược xây dựng Website hay chính thành công cho Website của bạn, giúp Website của bạn vững mạnh và có sức ảnh hưởng lớn.
Chúc các bạn thành công.
Ý tưởng dựa trên (Inspired on)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét